Cuộc sống bình yên chỉ còn trong cổ tích?
Cách đây vài tuần, trong một quán cà phê, tôi có dịp nghe một câu chuyện của một nhóm bạn (có lẽ là nhân viên kinh doanh của một vài công ty) đang ngồi ở bàn bên cạnh. Câu chuyện của họ liên quan đến vụ án cướp tiệm vàng ở Bắc Giang nhưng họ không bàn tán về hành vi giết người man rợ, cũng không phải đồn đoán về mức án dành cho Luyện mà là một chi tiết rất nhỏ, có liên quan mật thiết với công việc, đời sống của họ, đó là: Chống trộm bằng cách nào?
Một người trong số họ phát hiện cánh cửa bị Luyện cậy và đột nhập vào tiệm vàng Ngọc Bích là cửa nhựa (loại cửa nhựa có lỏi thép tăng cường, hiện đang rất phổ biến) và than “Nhiều người mà biết được chắc sắp tới doanh số bán hàng sẽ giảm!”. Từ đó, hàng loạt các giải pháp chống trộm được mọi người đưa ra. Nào là từ nay sẽ tư vấn cho khách hàng lắp đặt thêm song sắt bảo vệ khi lắp đặt cửa. Một người khác thì nói sẽ tư vấn cho khách hàng một số giải pháp bằng công nghệ cao như lắp đặt camera quan sát, thiết bị báo trộm bằng cảm ứng nhiệt, cảm ứng chuyển động, …
Có một người trong số họ cho biết, cách đây vài hôm, anh ta đã tư vấn tất cả các phương án cho một chủ đầu tư nhưng người chủ này vẫn không hoàn toàn cảm thấy an tâm về khả năng chống được trộm. Từ đó, câu chuyện đang rôm rả bổng “xìu” xuống và chìm trong im lặng. Nét mặt mọi người đang vui vẻ bổng thoáng chút đăm chiêu. Có lẽ, họ đang tự tìm ra lối thoát cho công việc bán hàng của mình.
Thú thật, nếu chưa được nghe qua hoặc chưa có nhu cầu sử dụng thì rất ít người biết đến những thiết bị chống trộm tiên tiến như vậy. Và thực tế thì có phải trộm nhiều và ghê gớm đến mức mà người chủ nhà trong câu chuyện kia vẫn tỏ vẻ hoài nghi tất tần tật các giải pháp đưa ra?
Xem xét kỹ lại thực trạng xã hội hiện nay thì quả thật lo lắng của người chủ nhà kia là hoàn toàn có cơ sở. Trộm cướp xuất hiện khắp nơi và hành vi ngày càng táo bạo. Chuyện giật giỏ xách, giật dây chuyền, trộm cướp xe máy ngay giữa thanh thiên bạch nhật đã không còn xa lạ. Hoặc, dù được khóa cửa cẩn thận nhưng trộm đột nhập vào nhà để lấy cắp đồ đạc, xe cộ vẫn thường xuyên xảy ra. Nhiều trường hợp còn bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, dám trèo cả lên trụ điện chỉ để cắt vài chục mét dây điện để bán kiếm tiền tiêu xài, …
Tại hầu hết các cửa hàng, ở bất kỳ đâu, mọi người vẫn hay nhìn thấy tấm biển cảnh báo trộm như “Coi chừng mất xe” hay “Khóa xe cẩn thận”, … Giờ đây, tâm lý bất an vẫn luôn thường trực mỗi khi ra đường, ăn uống, mua sắm hay có việc lỡ tay mà quên trông chừng tài sản của mình. Đã có nhiều trường hợp trộm cướp xe máy kể cả khi có nhân viên bảo vệ. Với nhiều người, nhất là phụ nữ, việc đi lại vào ban đêm trên những con đường vắng luôn là nỗi ám ảnh khủng khiếp, …
Không dừng lại ở đó, trộm cướp còn nghĩ ra đủ trò để ăn chặn tiền của người đi đường, nhất là các du khách đến từ nước ngoài, mà trường hợp người khách Malaysia bị “cướp” giữa ban ngày như báo Thanh Niên phản ánh ngày 17.9 vừa qua chắc không là cá biệt.
Ở nơi thành thị đã vậy, còn tại các vùng nông thôn thì sao? Liệu có khá hơn? Câu trả lời là hoàn toàn không?
Nếu như trước đây, người dân nông thôn vốn sống rất đơn giản, nhà cửa chỉ đóng, khóa sơ sài, có khi còn không cần đóng cửa cả vào ban đêm. Nhưng nay thì đã khác. Dù cho cửa đóng then cài nhưng trộm cắp vẫn thường xuyên xảy ra. Chuyện bắt gà, hái bí, trộm cắp tiền bạc, xe cộ đã không còn là chuyện hiếm.
Nhiều người lý giải do trước đây ở các vùng nông thôn nghèo quá, không có vật dụng gì có giá trị để con người sinh lòng tham. Cách lý giải này hoàn toàn không hợp lý bởi bất cứ khi nào, khi nghèo thì cái cuốc, cái xẻng, cái xe đạp, … vẫn là một tài sản có giá trị vào thời điểm đó. Điều quan trọng ở đây là tại sao khi ấy người ta vẫn tin tưởng nhau tuyệt đối và trộm cướp chỉ là trường hợp hy hữu lắm mới có?
Có thể nói, nỗi lo sợ trộm cướp như là bóng ma đang len lỏi đến từng hang cùng ngỏ hẻm, từ nông thôn ra thành thị. Đúng hơn là trộm cướp đang là nỗi lo của không chỉ riêng ai.
Vậy trộm cướp ở đâu sinh ra mà nhiều đến thế? Và tại sao người ta lại lo sợ tới mức không dám tin vào các phương tiện báo trộm, chống trộm tiên tiến, thậm chí không còn tin vào con người, đến vậy? Đến nay, chưa ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác.
Nói cho cùng thì trộm cướp cũng là con người, từ xã hội mà ra. Họ vốn trước đây cũng từng là người lương thiện, nhưng vì xã hội, vì cuộc sống, nhận thức, lòng tham, … mà đưa đẩy họ đến con đường phạm pháp.
Câu trả lời khả dĩ nhất và cũng được sử dụng nhiều nhất hiện nay là do đạo đức suy đồi. Dù cho điều kiện kinh tế được xem là khá hơn trước đây nhưng đi kèm với nó cũng là sự băng hoại về đạo đức, những giá trị đạo đức của con người đã bị tầm thường hóa, thậm chí bị đã bị đạp đổ không thương tiếc.
Một số khác thì tặc lưỡi “Âu cũng là hệ quả tất yếu của thực trạng tham nhũng, hối lộ, bòn rút của công từ một số người lãnh đạo, có chức có quyền theo kiểu “Thượng bất chính thì …” mà thôi”.
Lâu nay chúng ta vẫn tự hào là một đất nước yên bình nhưng nhìn cái cách mà mọi người, mọi nhà luôn muốn trang bị cho mình những phương tiện chống trộm tối tân nhất, hay tâm lý lo lắng thường trực mỗi khi để tài sản của mình ngoài tầm quan sát thì mới biết rằng cái sự bình yên ấy đã trở thành cổ tích mất rồi.
Nạn trộm cướp như một cơn dịch bệnh, đã thực sự cướp đi sự bình yên vốn có của cộng đồng xã hội Việt Nam. Và câu hỏi ai sẽ mang trả nó trả lại cho mọi người? Bằng cách nào? Trong bao lâu?… dường như vẫn đang bị bỏ ngỏ.
TRẦN MINH QUÂN (https://tranminhquan.wordpress.com)